undefined

“Chúng tôi không cạnh tranh mà nâng nhau lên vì học sinh…”

22 Tháng 9, 2021

Cô Đặng Hương thường tự nhận mình là một giáo viên khó tính. Dù vậy, trong mắt học sinh, cô Hương vẫn là một trong những giáo viên được yêu thích nhất tại Olympia. Sự “khó tính” của cô có lẽ nằm ở việc cô Hương không bằng lòng với những điều dễ dàng, luôn muốn thay đổi để đem lại cho học sinh những điều tốt nhất.

Thử thách lớn với một người giáo viên, theo cô Đặng Hương là điều gì?

Điều khó nhất với người giáo viên là duy trì được cả tình yêu nghề và yêu trẻ. Yêu nghề được thể hiện trong nhiều khía cạnh, đặc biệt là việc phải không ngừng thay đổi và hoàn thiện kỹ năng bản thân. Đơn cử như việc nhiều người lầm tưởng giáo viên sẽ có một bài, dạy đi dạy lại trong năm mới nhưng không phải như vậy. Giáo dục thay đổi liên tục đòi hỏi giáo viên cũng cần không ngừng tự rèn luyện bản thân, thử sức với những cái mới và hoàn thiện năng lực. 

 

Bên cạnh việc yêu nghề thì yêu trẻ cũng rất quan trọng. tôi nghĩ rằng mình yêu trẻ chắc nhiều hơn yêu nghề, vì yêu trẻ mới giúp mình có động lực để yêu nghề. Tất nhiên không phải ai cũng làm được, nhất là với những giáo viên trẻ khi đôi khi chúng ta vẫn còn để nhiều cảm xúc yêu - ghét vào trong mỗi học sinh. Để yêu học sinh, mọi người phải coi trẻ như con mình để nhìn thấy những điểm mạnh - điểm chưa mạnh, để yêu thương đối xử tử tế.Là một người giáo viên cần trau dồi tình yêu học sinh, vì có yêu chúng ta mới có cảm thông và hiểu được trẻ. 

Cô Hương có nói về việc bản thân phải không ngừng thay đổi để bắt kịp với giáo dục. Vậy giáo viên Olympia đã làm gì để thích ứng với sự thay đổi của giáo dục ngày càng phát triển?

Gần đây tôi có biết thông tin về việc Hà Nội có chủ trương tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ giáo viên cốt cán. Việc này tại trường Olympia đã được thực hiện trong nhiều năm qua khi nhà trường luôn chú trọng đầu tư vào nguồn lực con người, đi tắt đón đầu, không chờ bên ngoài thay đổi rồi mới đi theo.

"Ở Olympia, mọi thứ luôn được thay đổi để trở nên tốt hơn."


Nói như trong môn toán, Olympia như một “tiền đề” dung dưỡng cho sự thay đổi, một môi trường hoàn hảo để giáo viên vươn lên với nghề.

Chúng tôi luôn được ủng hộ với mọi ý tưởng mới, không sợ bị xét nét soi mói, ở Olympia có những người luôn chấp nhận, khuyến khích ý tưởng, dù là khó khăn hay kỳ quặc như nào. 

Với bản thân dù đã là thành viên ban giám hiệu, tôi vẫn đọc rất nhiều sách, tìm hiểu các phương pháp mới để cải thiện năng lực chuyên môn. Thậm chí tôi vẫn giải toán để không “quên” nghề. 

 

 

 

Bản thân đội ngũ giáo viên Olympia có thế mạnh ham học hỏi, chủ động tìm các nguồn học liệu khác nhau để học hỏi. Mọi người cũng tham gia nhiều cộng đồng chuyên môn khác nhau để chủ động nâng cao kiến thức. 

"Ở Olympia, mục tiêu của giáo viên là học sinh nên mọi người sẵn sàng nâng nhau lên, nỗ lực hết mình vì một tập thể."


Hơn 10 năm cống hiến với nghề, cô Đặng Hương có lời khuyên gì để giúp các giáo viên có thể yêu trẻ hơn?

Đây quả thực không phải việc đơn giản để chúng ta dễ dàng chấp nhận mỗi học sinh với sự bình đẳng. Cũng phải mất rất nhiều năm, tôi mới có thể vượt qua được việc yêu - ghét học sinh với sự cảm tính cá nhân trong đó. Trước khi bước vào lớp, giáo viên phải tự tạo suy nghĩ tích cực cho bản thân, với tâm thế tốt nhất, luôn nhìn nhận mọi vấn đề sự bao dung và không xét nét. Mỗi lỗi sai của học sinh là cơ hội để mình trò chuyện và hiểu học sinh hơn, không phải cái cớ để chì chiết hay răn đe bằng các phương pháp phản giáo dục.

 

 

Olympia không chỉ đào tạo những người “thợ dạy” mà còn định hướng tạo ra những chuyên gia giáo dục như thế nào?

Điều này xuất phát từ chính định hướng xây dựng một trường học nhân văn của Olympia. Ở một môi trường nhân văn như vậy, học sinh không chỉ được phát triển kiến thức hay tư duy mà còn được trang bị những bài học cuộc sống. Và để được như vậy, bản thân mỗi giáo viên cũng không chỉ truyền đạt kiến thức - họ phải thực sự sống cùng học sinh, hiểu học sinh và nâng đỡ học sinh để các em hiểu rằng, trước khi trở thành người giỏi, các con cần trở thành người tử tế.

Với mục tiêu như vậy, giáo viên sẽ phải nỗ lực, dưới sự đồng hành cùng nhà trường, để không chỉ làm tốt vai trò người dạy mà còn trở thành các chuyên gia giáo dục. Vì “giáo dục” là một chiếc “ô” lớn mà dạy thôi mà chưa đủ. Người giáo viên hiểu rằng mình không chỉ dạy kỹ năng môn học, kiến thức mà còn mang đến cho con trẻ những bài học cuộc sống phong phú để sẵn sàng cho tương lai phía trước. 

 

Share:

Bài liên quan