Đi tìm tiếng nói và hành trang cho gen Z giữa thế giới đầy biến động
23 Tháng 9, 2021
Trong buổi tọa đàm "Thế hệ Z trước tương lai biến động: chuẩn bị gì cùng con từ những năm Trung học?" với đại diện của 3 thế hệ gen X, Millennials và gen Z, cuộc đối thoại đã mở ra những suy từ về gen Z từ những câu chuyện của chính người trong cuộc.
Thế giới bước sang năm 2021 với những biến động. Những từ khóa của một năm mới, một thập kỷ mới vẫn xoay quanh đại dịch, biến đổi khí hậu, mạng xã hội, AI.
Và Gen Z.
Gen Z là ai? họ đang ở đâu trong trường học? họ đóng góp tiếng nói của mình như thế nào trong một xã hội mà điều bất biến duy nhất là sự thay đổi? Những góc nhìn không quá mới nhưng chưa bao giờ hết "nóng" đã được mở ra trong buổi tọa đàm “Thế hệ Z trước tương lai biến động: chuẩn bị gì cùng con từ những năm Trung học?" với sự tham gia của Thạc sĩ Nguyễn Đình Thành, cô Bùi Trà My - thành viên BGH trường PTLC Olympia và Nguyễn Thu Yến - cựu học sinh Olympia, đại diện cho gen Z.
Buổi tọa đàm với sự tham gia của Thạc sĩ Nguyễn Đình Thành, cô Bùi Trà My - thành viên BGH trường PTLC Olympia và Nguyễn Thu Yến - cựu học sinh Olympia, đại diện cho gen Z.
Từ X đến Z và những khác biệt
Mở đầu buổi trò chuyện, ba vị khách mời đã chia sẻ những kỷ niệm gắn với thế hệ của mình: Đó là một thế hệ X của anh Thành với những người yêu thơ ca, một thế hệ Y của cô Trà My với Yahoo Messenger hay thế hệ Z của Thu Yến với Tiktok, Facebook và những nền tảng mạng xã hội khác.
Chia sẻ về những khoảng cách giữa gen X và gen Z, anh Nguyễn Đình Thành - một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, ấn tượng về cách người trẻ đang trở nên đa nhiệm hơn trong học tập và công việc. Suy nghĩ của anh Thành xuất phát khi quan sát thói quen của con mình trong quá trình học online với rất nhiều màn hình trước mặt; họ sử dụng laptop cùng lúc với điện thoại, iPad. Điều này đúng với cả các nhân viên Z ở công sở khi họ dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại nhưng vẫn có thể xử lý công việc trên máy tính. Chỉ ra những khác biệt của gen Z ở công sở với thế hệ 7x, 8x, anh Thành đã phác họa một góc nhìn cuộc sống công sở với những va chạm của các thế hệ khác nhau.
Tuy nhiên, việc nhận định một đặc điểm của gen Z dễ khiến nhiều người trẻ sẽ hoài nghi cùng câu hỏi: “Liệu đấy là đặc điểm của cả thế hệ hay chỉ là của bản thân mình” - như cách Thu Yến tự hỏi bản thân khi muốn nghỉ công việc thực tập làm sao để vẫn giữ được sự tôn trọng với công ty.
Cô Trà My cho rằng, thế hệ gen Z giờ đây đang đứng trước nhiều lựa chọn hơn thế hệ đi trước.
Tiếp nối câu chuyện công việc, cô Bùi Trà My trích một nghiên cứu về gen Z trong chuyện hẹn hò chỉ ra rằng: “Thế hệ sinh sau năm 95 rất nồng nhiệt nhưng khi nó có vấn đề thì các bạn sẽ kết thúc rất là nhanh và vượt qua mối quan hệ cũng rất nhanh.” Khi sống trong một xã hội có nhiều lựa chọn, phải chăng chúng ta cũng sẽ dễ lãng quên và khó thể cam kết với một điều gì đó?
Tuy nhiên, cả anh Thành và Thu Yến đều chia sẻ chung một quan điểm rằng, khi người trẻ phải đứng trước rất nhiều lựa chọn, có quá nhiều luồng thông tin phải tiêu thụ mỗi ngày, việc vượt qua một điều gì đó nhanh chóng là cơ chế để người trẻ phản ứng trước sự thay đổi không ngừng của xã hội.
“Điểm mạnh của bọn con là quyết định rất là nhanh nhưng cái khó của bọn con là không chắc về những suy nghĩ của mình.”
Nhìn nhận về những cơ hội của gen Z có ở hiện tại, người trẻ sinh sau năm 1995 đang có cả không gian vật lý và không gian kỹ thuật. Thế hệ Z được coi là thổ dân kỹ thuật số, sinh ra đã có Internet, sinh ra đã có thể sống trên mạng xã hội, có nhiều kênh để biểu đạt cái tôi cá nhân. Millennials và gen X là thế hệ “nhập cư” vào Internet. Việc sở hữu nhiều kênh khiến các bạn trẻ có nhiều cơ hội thể hiện bản thân nhưng đi kèm với các áp lực. Với mạng xã hội, chúng ta được dịp để so sánh cuộc đời của mình với những trailer cuộc đời người khác.
Các nghiên cứu về thế hệ Z chỉ ra rằng gen Z có tỷ lệ phải đối diện với lo âu, trầm cảm nhiều hơn. Tuy nhiên, một điểm sáng trong các báo cáo đều chỉ ra rằng, thế hệ này mặc dù trầm cảm nhiều hơn nhưng ý thức rõ ràng hơn về vấn đề của bản thân. Điều này khác với thế hệ X và Y khi việc đi tìm kiếm sự giúp đỡ về tâm lý, việc bộc bạch các vấn đề tinh thần của bản thân được coi là một sự thất bại.
Thế hệ Z phải đối mặt với nhiều áp lực tinh thần hơn trước đây rất nhiều nhưng họ có thể gọi tên được cảm xúc của bản thân.
Người trẻ thế hệ Z hay được coi là có cuộc sống “sướng” hơn các thế hệ trước. Nhìn kỹ hơn vào nhận định trên, chúng ta thấy rõ ràng khái niệm sướng hay khổ mang tính thời điểm cùng những quan điểm xã hội thay đổi. Anh Thành cho rằng với gen X, không được ăn là khổ nhưng với gen Z, có thể không được đi du lịch là khổ. Những vấn đề mặc cảm cơ thể cũng vậy; điều đó không tồn tại hoặc không được gọi tên trước những năm 2000, trước khi mạng xã hội xuất hiện. Gen Z bị đặt trước nhiều thách thức và vấn đề của thời đại mới. Một thế hệ “vượt sướng” hoàn toàn không dễ dàng hơn so với việc “vượt khó”.
Thế hệ Z sinh ra trong một thời buổi toàn cầu hóa, phẳng cả ở trên mạng và phẳng ở ngoài đời. Nghiên cứu chỉ ra rằng các bạn rất ủng hộ hôn nhân đồng giới, ủng hộ ngôn ngữ trung tính và đòi hỏi sự bình đẳng hơn trong nơi làm việc và gia đình. Thế hệ Z được hưởng nền giáo dục tốt nhất so với thời hiện tại, đồng nghĩa với việc bố mẹ trong thời buổi hiện tại cũng được tiếp cận với những phương pháp nuôi con tiên tiến nhất.
Tương lai của Gen Z?
Anh Thành đã gợi nhắc lại khái niệm thế giới VUCA khi đề cập tới tương lai của thế giới nói chung và gen Z là những người tiếp quản. VUCA là một từ viết tắt những chữ cái đầu tiên, miêu tả các đặc điểm của thế giới trong tương lai bao gồm: Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp) và Ambiguity (mơ hồ).
“Thế giới khó dự đoán và không có gì chắc chắn là những điều tôi có thể chắc chắn. Không ai nghĩ chỉ một con virus có thể làm thay đổi cả thế giới vào tháng 1/2020. Thế giới trở nên phức hợp hơn với liên quan của nhiều bên. Ngoài ra, thế giới cũng rất là mơ hồ khi chúng ta không biết rằng mình sẽ đi đâu. Nhìn chung, tương lai rất khó đoán định. Chưa bao giờ, chúng ta phải ngồi nhà lâu đến vậy. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, có thể trong tương lai, thuật toán mới là thứ điều khiển xã hội.”
Sự bất định là điều khiến Thu Yến nghĩ rằng, các bạn trẻ gen Z như mình cần phải mở rộng cơ hội, lựa chọn những hướng đi mới phù hợp với bản thân.
Trong “balo” của gen Z có gì?
Đó không phải một chiếc “balo” bình thường - đó là chiếc balo chứa đầy hành trang cần thiết để thế hệ Z có thể vững vàng bước vào tương lai đầy biến động.
Trong báo cáo của diễn đàn kinh tế thế giới, những năng lực cần cho tương lai cho thế hệ Z bao gồm quản lý căng thẳng, trí tuệ xúc cảm, sức khỏe tổng thể và khả năng tư duy bậc cao. Để đạt được những kỹ năng này cần có sự đồng hành của nhà trường, phụ huynh và tự thân các bạn trẻ thế hệ Z cũng cần vận động để có thể hòa mình vào tương lai.
“Trường học phải dạy các con thích nghi với cái mới vì thế giới luôn thay đổi,” anh Đình Thành chia sẻ. “Nếu như thế hệ X chỉ cần tái tạo bản thân 1-2 lần, thế hệ Z hiện tại sẽ phải “tái tạo” bản thân nhiều lần hơn nữa, thích nghi được với môi trường mới, sẵn sàng cho cuộc sống không ngừng thay đổi.”