Học online: Trường học đóng cửa thì khối óc vẫn mở
23 Tháng 9, 2021
Trong chương trình Livestream talkshow: “Học sinh Tiểu học học online - thách thức hay cơ hội?", những câu hỏi và băn khoăn về việc học sinh tiểu học có thể học online hay không đã gợi được sự quan tâm của nhiều phụ huynh khi đây đang là vấn đề nóng gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội.
Bài báo “Học sinh lớp 1,2 hoàn toàn có thể học online” với nội dung xoay quanh hội thảo diễn ra tại trường PTLC Olympia sáng ngày 28/2 đã có tới hơn 55 lượt bình luận chỉ sau vài tiếng với nội dung đa dạng xoay quanh vấn đề học online. Nhìn vào con số đó cũng có thể thấy, việc học online tưởng chừng như một giải pháp tối ưu nhất trong thời điểm dịch bệnh cũng có những điều khiến các phụ huynh băn khoăn thắc mắc. Vậy thực sự có học sinh tiểu học có thể học online hay không?
Với Thạc sĩ Phương Hoài Nga, một người đã khá quen mặt với giới Tâm lý học đường trong nước, câu trả lời là hoàn toàn có. Đi ngược lại tiến trình của buổi hội thảo, các bậc phụ huynh có thể rút ra được nhiều bài học và các kinh nghiệm cần thiết để hỗ trợ con trong việc học tập trực tuyến.
Một trong những lý do để buổi hội thảo diễn ra chính là những băn khoăn của các bậc phụ huynh xoay quanh việc học online của con. “Học online không hiệu quả! Tại sao trẻ con mới 5,6 tuổi đã phải học online? Một người học online là kéo theo cả nhà phải bỏ công việc học cùng con? Con chẳng học được mấy sao phải khổ vậy” - không khó để nhìn thấy những tâm tư, chia sẻ như vậy trên mạng xã hội của các phụ huynh.
"Tôi hiểu bố mẹ hoang mang khi con ngồi trước màn hình máy tính lâu, lo lắng về sức khoẻ và chất lượng học. Thế nhưng liệu chỉ khi học online, chúng ta mới cần băn khoăn về chất lượng học hay không?", Thạc sĩ Hoài Nga mở đầu buổi hội thảo bằng một câu hỏi khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Hội thảo diễn ra tại trường Olympia với những khai mở xoay quanh vấn đề học online của học sinh tiểu học.
Đến trường và học không phải là một
Mở đầu báo cáo thường niên của Ngân hàng thế giới năm 2018 có nhấn mạnh: “Đến trường không phải học tập”. Đến trường và học tập không phải là một. Trong báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng nói đến ba khía cạnh khác nhau nhưng thường xuyên dùng lẫn vào nhau: Đến trường, học tập và giáo dục.
Để đưa ra bài học về việc học tập, Thạc sĩ Phương Hoài Nga đã mượn hình tượng cặp sách của một học sinh 6 tuổi để dẫn nhập vào thông điệp muốn truyền tải: Việc học tập có thể diễn ra ở khắp mọi nơi; các bạn nhỏ có thể bắt chước từ bạn bè, bố mẹ thầy cô vì chúng ta đều là những con người xã hội. Khi được đặt trong một môi trường phù hợp, học sinh được tạo điều kiện học tập hiệu quả. Việc sắp xếp balo cũng là việc học. Từ việc sắp xếp cái to ở dưới, cái nhỏ ở trên, gom đồ đạc theo mức độ liên quan… cũng phản ánh việc học của mỗi người. Đó là khả năng quan sát, tổng hợp, thao tác tư duy và nhiều hơn nữa một người có thể học được.
Học tập là quá trình tiếp nhận, tạo nên sự thay đổi bằng nhận thức và hành động. Nói một cách đơn giản, học là quá trình trưởng thành của mỗi người. Học tập là một ý tưởng lớn và có thể xảy ra ở bất cứ đâu.
Vậy những điều này có liên quan gì tới việc học tập online?
Học online giúp chúng ta nhìn lại bản chất của việc học, rằng việc học có thể diễn ra ở bất cứ đâu, không gian và thời gian ra sao. Đó là khi bố mẹ có thể cùng nhìn vào lớp học và quan sát những gì đang diễn ra.
Thạc sĩ Phương Hoài Nga là người đã có nhiều năm trong lĩnh vực tâm lý học đường tại Việt Nam.
Học online: Nhìn lại những vấn đề của học tại trường
Không thể phủ nhận vai trò của trường lớp đối với việc học tập của học sinh. Tuy nhiên, ở một chiều cạnh khác, học online cũng giúp chúng ta có thể nhìn thấy những vấn đề của việc học trực tiếp trong môi trường lớp học. Đó có thể là sự hoang mang khi phụ huynh trực tiếp nhìn thấy con mình đang viết đầy khó khăn, đó có thể là sự nhẹ nhõm khi con không có áp lực từ bạn bè xung quanh hay nỗi sợ vô hình với các thầy cô.
Một trong những chia sẻ đáng nhớ của Thạc sĩ Phương Hoài Nga nằm trong câu chuyện về việc trong môi trường học tập trên lớp, đôi khi sẽ không tránh khỏi sự can thiệp của giáo viên vào việc học tập của học sinh. Cách học “cầm tay chỉ việc” đó đâu đó vẫn có sự thành công khi nhiều thế hệ người Việt đã đi qua những năm tháng như vậy.
“Tuy nhiên, chúng ta làm giáo dục, chúng ta không cho phép mình ăn may rằng có người thành công, có người không thành công, có người hạnh phúc hay người không hạnh phúc. Mỗi đứa trẻ đều là toàn vẹn trong mắt phụ huynh; chúng ta mong đợi những gì tốt nhất cho các con.”
Các chuyên gia và phụ huynh đã đưa ra nhiều chia sẻ có giá trị về việc học online trong thời cuộc nhiều biến động.
Học online ở nhà: Trường học đóng cửa thì khối óc vẫn mở
Đó là câu tuyên ngôn các giáo viên dùng để khích lệ nhau trong giai đoạn đầy biến động. Khi nhắc về câu chuyện lợi ích của học online, các tổ chức đánh giá giáo dục uy tín cho rằng việc học online giúp học sinh có thể điều chỉnh nhịp độ cuộc sống cho phù hợp. Tuy nhiên, lợi ích này phù hợp với các học sinh lớn hơn. Đối với các bạn học sinh cấp 1, việc học diễn ra qua nhiều giác quan, thông qua tương tác nên khi bối cảnh thực tế mất đi, việc giảng dạy đòi hỏi nỗ lực lớn hơn.
Với chị Trương Thị Lan Anh, một khách mời trong buổi hội thảo, một phụ huynh đã 8 năm đồng hành cùng trường Olympia, khi nhận được tin học online, gia đình đã xác định tư tưởng đây là lựa chọn tốt nhất cho gia đình ở thời điểm hiện tại và gia đình cần phối hợp với nhà trường để hỗ trợ việc học của con ở mức tối đa.
“Thực tế khi bạn lớp một học vẫn có những khó khăn như vào giờ chậm, quên nhiệm vụ, bối rối khi tương tác trên các thiết bị. Mình đã đồng hành hỗ trợ con trong giờ học và nhận ra rằng, những vấn đề như thao tác chậm thuộc khía cạnh kỹ thuật còn nội dung bài giảng vẫn sinh động, thú vị và không như mình nghĩ. Các cô đã tạo ra bài học với hình ảnh và âm thanh để giúp học sinh có thể tham gia bài giảng sôi nổi. Phụ huynh cần đồng hành để giúp con ghi nhớ bài và nhìn lại quá trình học.
Khi nhìn lại quá trình học của con, mình tự tin hơn rằng dù sau này xã hội có biến đổi, nếu không có điều kiện cho con đi du học mà con phải học các lớp từ xa thì bạn nhỏ vẫn sẽ đáp ứng được.”
Việc học tập online muốn thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa học sinh - phụ huynh - giáo viên. Khi nhìn lại những ý kiến không đồng tình với việc học online, Thạc sĩ Phương Hoài Nga cho rằng không phải việc học online có vấn đề mà tất cả việc học nói chung sẽ khó có thể đạt được hiệu quả nếu không nhìn lại vào đúng bản chất của việc học, tuân thủ theo các “quy tắc” của việc học. Xu thế học online sẽ lên ngôi, trước cả khi dịch bệnh bùng phát trên thế giới. Theo dự đoán đến năm 2025, giá trị của ngành giáo dục trực tuyến có thể rơi vào con số 380 tỷ USD.
“Học online, nếu càng đi gần bản chất của việc học, sẽ trở nên hiệu quả,” Thạc sĩ Phương Hoài Nga kết lại bài chia sẻ của mình.