undefined

Olympians K10 lần đầu ra mắt vở nhạc kịch tiếng Anh "Những người khốn khổ" trong đêm showcase Bản sắc & Hội nhập

04 Tháng 5, 2023

SHOWCASE THPT PHẦN 2 - HỘI NHẬP

Những tiếng vỗ tay không ngớt, những lời cảm ơn, những giọt nước mắt tự hào,… đã làm nên âm vang của vở diễn “Những người khốn khổ” vào tối thứ 7 (ngày 22/4) vừa qua. Vở nhạc kịch hoàn toàn bằng tiếng Anh là cách các Olympians 10 QT, 10 IB-DP báo cáo hành trình kéo dài hơn 7 tháng tìm tòi, thẩm thấu tác phẩm kinh điển của đại văn hào người Pháp- Victor Hugo.

Diễn xuất nhập tâm của các bạn học sinh khối 10 SBQT
 
Đây cũng là phần tiếp theo nằm trong chuỗi hoạt động báo cáo học tập có tên gọi “Bản sắc và hội nhập” của Dự án học tập liên môn Ngữ văn - Lịch sử - Mĩ thuật - Âm nhạc “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc?”, triển khai ở khối 10, 11 năm học 2022-2023.
Ý tưởng xuyên suốt cho 3 phần trình diễn của Olympian THPT năm nay là kết nối bản sắc dân tộc và hội nhập văn hoá Đông - Tây. Sự kết nối không chỉ về thời gian (qua lựa chọn các tác phẩm văn học tiêu biểu từ thế kỷ 18, 19 và hiện đại thế kỷ 20), mà còn là cả không gian. Nếu như hai vở diễn “Chèo về cội nguồn” và “Tôi giữa xứ thơ” mang âm hưởng văn hoá dân gian trải dài nhiều các vùng miền của tổ quốc (Bắc Bộ, vùng Tây Bắc dân tộc thiểu số, Huế, miền Nam), thì “Những người khốn khổ” là cuộc phiêu du tới Pháp - một trong những trung tâm văn hoá phương Tây.

24 Olympian K10 các hệ quốc tế đã cùng “chu du” đến nước Pháp và hóa thân thành những nhân vật đầy bi kịch và rực cháy tình yêu cuộc sống. Các bạn đã khiến cả khán phòng kinh ngạc về khả năng nhập vai, sự rung động với số phận nhân vật. Với tài năng và nỗ lực của mình, các bạn đã để lại dấu ấn về một màn trình diễn thăng hoa và chuyên nghiệp.
Có lẽ không ai có thể giới thiệu về hành trình đi tới thành công này rõ ràng hơn cô Đàm Phương Thảo, giáo viên Văn, Trưởng khối 12, một trong hai giáo viên điều phối dự án này. Mời bố mẹ và các bạn cùng lắng nghe những chia sẻ của cô trò SBQT dưới đây:

"HỌC SINH LÀM NHẠC KỊCH, LIỀU LĨNH HAY BẢN LĨNH?
Học văn qua hình thức sân khấu hoá đã dần trở thành hình thức ngày càng phổ biến với phần đông các trường học, nhất là môi trường học tập sáng tạo như tại Olympia. Năm học nào, sân khấu Olympia cũng rộn rã sáng đèn với các vở kịch đủ màu sắc, phủ khắp các cấp học, từ Mầm non cho đến hết THPT. Nhưng nhắc về dự án Les Miserables năm nay, nhóm vẫn tự hào về một sản phẩm đủ ĐỘC - LẠ - CHẤT!
Hành trang của dự án lần này, cô trò chúng tôi mang theo:
- Một tác phẩm kinh điển
- Một nhiệm vụ thách thức
- Và rất nhiều những cơ hội quý giá.
Lần đầu tiên, một tác phẩm văn học kinh điển phương Tây được lựa chọn để chuyển thể.
Lần đầu tiên, có một tập thể vỏn vẹn 24 học sinh dám bước lên sân khấu với tỉ lệ 100%.
24 học sinh tự làm nhạc kịch!
Là liều lĩnh hay bản lĩnh?

Để trả lời câu hỏi này, có lẽ phải trở lại từ thời điểm ý tưởng dự án mới còn đang “phôi thai”. Trong chương trình Ngữ văn lớp 10, học sinh Olympia có cơ hội được tìm cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Những người khốn khổ” của đại văn hào Victor Hugo. Không dừng lại ở các hoạt động đọc hiểu thông thường theo đặc trưng thể loại, các con còn được tạo cơ hội tham gia nhiều hoạt động đọc, viết và trải nghiệm sáng tạo. Trong đó, nổi bật nhất là triển khai việc xây dựng tác phẩm sân khấu chuyển thể từ văn bản gốc, sẽ công diễn vào giai đoạn cuối năm học. Đây là cơ hội để các học sinh được tiếp cận với một trong các tác phẩm kinh điển thế giới, làm giàu thêm vốn tri thức văn hoá, văn học. Bên cạnh đó, dự án tạo cơ hội cho học sinh phát biển đa dạng các năng lực chung (tự chủ, giao tiếp, tư duy giải quyết vấn đề và sáng tạo…); rèn luyện nhiều kĩ năng quan trọng các bộ môn.

Được sự đồng lòng của cả tập thể, các bạn học sinh quyết định làm nhạc kịch.
Nhưng làm kịch đã khó, làm nhạc kịch, nhất là nhạc kịch bằng tiếng Anh còn khó hơn bội phần.
Thế nên, có lẽ không sai khi nói rằng, chặng đường đi tới buổi biểu diễn cuối tuần này, có thể coi là hành trình SÁNG TẠO – VƯỢT KHÓ của cả các trò, lẫn các cô.
Trên hành trình ấy, chúng tôi đã có thật nhiều trải nghiệm cùng nhau:
- Thăm nhà hát và tận mắt chứng kiến quá trình tập luyện và được lắng nghe những trao đổi trực tiếp của dàn diễn viên, biên kịch, đạo diễn đoàn nhạc kịch Alice in Wonder land.
- Tham gia workshop Artventure – Hành trình truyền cảm hứng của những người diễn viên nhạc kịch trẻ.
- Giao lưu với diễn viên chính trong vở diễn Những người khốn khổ đã công chiếu và gây tiếng vang lớn tại Hà Nội.
- Được làm việc trong bầu không khí nghiêm túc, cởi mở, hỗ trợ của cả tập thể 24 học sinh và nhóm giáo viên hỗ trợ (các thầy cô Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngữ văn, Tiếng Anh, Công nghệ…)
Và hơn tất cả, là 7 tháng cùng nhau: Đọc – tìm hiểu tác phẩm; viết tiểu luận nghiên cứu các vấn đề trong tác phẩm; viết kịch bản, lên kế hoạch chi tiết phần ánh sáng, âm thanh, đạo cụ, phục trang; casting diễn viên và cùng nhau miệt mài tập luyện…
Toàn bộ gần 200 vé mời của đêm diễn đã được bán hết. Đó là sự động viên quý giá giúp nhóm dự án càng dốc sức cho một đêm diễn tới đây sẽ thật trọn vẹn.
 
Một cảnh trong vở diễn "Những người khốn khổ"
 
Bởi trên hết, hơn cả một dự án học tập, tất cả chúng tôi còn nhắc nhau nhớ về mục đích đẹp đẽ sau cùng của đêm diễn đặc biệt: góp một phần nhỏ ủng hộ cho những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đang được bảo trợ bởi tổ chức Blue Dragon. Dẫu là LIỀU LĨNH hay BẢN LĨNH, chúng tôi đưa “Những người khốn khổ” lên sân khấu rực rỡ ánh đèn, còn với mong mỏi mang thêm một chút ánh sáng, một chút ấm áp cho những mảnh đời còn nhiều bất hạnh, khốn khó ở ngoài kia. Vì yêu thương vốn chẳng thể cách ngăn bởi bất cứ ranh giới nào: không gian lẫn thời gian. Vì việc học sau cùng, cũng là để con người biết CÙNG CHUNG SỐNG, trong sự tôn trọng và yêu thương".
Share:

Bài liên quan