undefined

Tái định nghĩa tài năng: Liệu "Con nhà người ta" có phải là sản phẩm của các kỳ thi chuẩn hóa?

23 Tháng 9, 2021

Trong buổi Hội thảo "REDEFINING TALENTS" diễn ra tại trường PTLC Olympia vào ngày 09/01/2020, câu chuyện về "Tái định nghĩa tài năng" dưới sự dẫn dắt của hai vị khách mời, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu và Tiến sĩ Ernest Wong, đã mở ra nhiều góc nhìn mới mẻ về "tài năng" với học sinh và các vị phụ huynh.

Khi những kỳ thi chuẩn hóa vẫn đang được coi là thước đo để đánh giá năng lực của học sinh trong một thế giới vận động không ngừng với những sự thay đổi đáng kể suốt vài thập kỷ qua, nhiều người tự hỏi liệu điểm số có phải là thước đo duy nhất để đánh giá tài năng của một học sinh? "Con nhà người ta" liệu có còn là những đứa trẻ "chuẩn hóa" chỉ cần biết "điểm số" và thiếu sáng tạo, thiếu bản sắc cá nhân?

Thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ ngày đầu tiên các bài kiểm tra chuẩn hóa ra đời. Để hiểu hơn về khái niệm tài năng trong thế kỷ 21 này, những chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu và Tiến sĩ Ernest Wong sẽ giúp khai mở những khía cạnh đặc biệt của tài năng chúng ta vẫn thường bỏ quên ở một đứa trẻ. 

Tài năng là gì và làm sao để tối ưu hóa tài năng?

Nhắc đến Tiến sĩ Ernest Wong - người thầy dẫn dắn triệu phú Adam Khoo đồng thời là nhà sáng lập học viện Learning Mastery tại Singapore, nhiều người thực sự nể phục ông vì nhưng đóng góp cho ngành Giáo dục. Bên cạnh những câu chuyện và trải nghiệm bản thân, 45 phút ngắn gọn của Tiến sĩ Ernest tập trung vào hai vấn đề chính: Những câu hỏi khai mở bản thân và cách để tối ưu hóa tài năng. 

"Thiên tài là những người được nuôi dưỡng, không phải ai sinh ra cũng trở thành thiên tài", đó là câu khẳng định của Tiến sĩ Ernest Wong trong buổi hội thảo.

Để phát triển tài năng của bản thân, theo tiến sĩ Ernest Wong, chúng ta cần trả lời được ba câu hỏi quan trọng: "Tôi là ai", "Tôi muốn trở thành người như nào" và "Tôi đang ở đâu trong hiện tại". Muốn phát triển tài năng trong mỗi người, trước nhất chúng ta cần hiểu bản thân có gì và bản thân muốn gì. Trong những cuộc tranh luận về tài năng thường gặp, câu hỏi "tài năng là thiên bẩm hay nuôi dưỡng" (nature or nurture) được nhắc tới rất nhiều lần. Trên cương vị là một người đã nghiên cứu về ADN và gene suốt 15 năm qua, ông Ernest tin rằng cả những khả năng bẩm sinh và nuôi dưỡng đều quan trọng. Nếu chúng ta có tài năng nhưng không có môi trường phù hợp thì khả năng phát triển sẽ hạn chế. Điều quan trọng là các học sinh phải tìm được đúng môi trường để có thể phát huy hết năng lực của bản thân.

 

Hãy luôn nhớ về mô hình TED: Tài năng (Talents) + Môi trường phù hợp (Environment) sẽ dẫn tới Phát triển (Development).

 

"Nếu như chúng ta đánh giá con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ luôn sống trong suy nghĩ rằng mình là một kẻ ngu ngốc," câu nói nổi tiếng này một lần nữa khẳng định vai trò của việc nhận định được đúng tài năng của bản thân và hiểu rõ mình có gì, muốn gì. Để có thể tối ưu hóa tài năng, điều quan trọng các phụ huynh và bản thân mỗi đứa trẻ cần biết được tiềm tàng trong chúng ta là tài năng gì; không nhất thiết phải là toán hay khoa học; đó có thể là âm nhạc, nghệ thuật, thể thao hay bất cứ lĩnh vực nào. 

"Chúng ta sinh ra đều có tài năng nhất định, nếu không đặt được đúng vào môi trường thì tài năng không phát triển được. Tất cả mọi người đều có tài năng, hãy tìm ra nó và tìm ra một môi trường để tài năng của mình có thể phát triển. Tài năng sẽ phát triển được nếu chúng ta có tính cách phù hợp. Đừng tự ti vào bản thân mình vì các bạn chính là tương lai của thế giới.

Đường vươn ra biển lớn: Thế giới này cần "tài năng" gì và những người như nào?

Được mệnh danh là “thợ săn học bổng”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đã có cơ hội được học tập và trải nghiệm từ những ngôi trường và tổ chức giáo dục tiên tiến nhất thế giới như: Học bổng toàn phần các trường Cambridge Tutors College, Đại học Kinh tế London (LSE), Thủ khoa MBA của Đại học Oxford, Học bổng IMF chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ Kinh tế ở ĐH Stanford, Giải thưởng vinh danh giáo viên trợ giảng và giảng viên xuất sắc nhất đại học Stanford, học bổng Eisenhower Fellowship. Trong những câu chuyện chia sẻ của Tiến sĩ Chí Hiếu, các bạn học sinh và phụ huynh đã có thêm cái nhìn thực tế về khái niệm tài năng, về thế giới trong khoảng 10 năm tới sẽ như thế nào và học sinh sẽ đi về đâu. 

"Có những bạn rất thông minh và thành công ở thời điểm hiện tại nhưng 7 năm sau, có thể chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Cách chúng ta dành 7 năm tới như thế nào là điều rất quan trọng", Tiến sĩ Chí Hiếu nhấn mạnh. 

"94% người Mỹ vẫn nghĩ rằng tấm bằng đại học là con đường duy nhất vào đời. Tuy nhiên, 90% các nhà lãnh đạo ở những công ty lớn cho rằng sinh viên tốt nghiệp đại học ra không đủ kỹ năng làm việc", đó là chia sẻ của Tiến sĩ Chí Hiếu từ những nghiên cứu uy tín. Rõ ràng, đang có một mức độ vênh nhất định giữa nhu cầu của các nhà tuyển dụng và khả năng đáp ứng của sinh viên, kể cả sinh từ những trường lớn hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, có khoảng 45% sinh viên Mỹ tốt nghiệp đại học và đang làm những công việc không nhất thiết phải cần đến tấm bằng đại học. Điều quan trọng không phải bạn chọn con đường gì mà bạn đang đi như thế nào. 

 

"Thế giới này không chờ các bạn học sinh quẹt Tiktok xong mới thay đổi, nó đang thay đổi trong lúc chúng ta đang sử dụng tất cả công cụ mạng xã hội. Đó là lý do vì sao chúng ta cần sử dụng thời gian thông minh". 

 

Nói về những "tài năng", kỹ năng thế giới công việc và các nhà tuyển dụng thực sự cần, một nghiên cứu của Đại học Harvard đã liệt kê ra 6 điều quan trọng dưới đây: Giao tiếp hệu quả qua văn viết & văn nói; làm việc nhóm, thương lượng, quản lý khách hàng đối tác; Tư duy đa chiều sáng tạo, phản biện, năng lực tự học; Tác phong chuyên nghiệp; Năng lực lãnh đạo: cố vấn, giám sát quản lý dự án; Tính cách: Đạo đức, độc lập, độ tin cậy. 

Khi nhìn vào thực trạng ngành giáo dục, 80% Hiệu trưởng cho rằng các trường đại học hàng đầu của Mỹ đều không thể trang bị cả 6 kỹ năng kia cho sinh viên, 80% sinh viên học gạo nhưng không đi sâu vào hiểu bản chất vấn đề, 90% dạy đại học là những kiến thức bề nổi, 30-70% giờ học tập trung vào luyện thi; tiêu tốn quá nhiều thời gian của học sinh vào việc luyện tập cho các kỳ thi chuẩn hóa vốn không xây dựng được nhiều năng lực cho học sinh. Trên thực tế, năng lực nền tảng thực sự của học sinh và năng lực đo được qua các bài thi chuẩn hóa hiện nay chỉ giao nhau ở một khoảng rất nhỏ. Các bài kiểm tra chỉ phản ánh được một phần khả năng của học sinh, không thể hiện được hết năng lực toàn diện, tài năng của mỗi người. Tài năng là sự tổng hòa của khả năng tổng quát, khả năng chuyên biệt, độ cam kết với mục tiêu và năng lực sáng tạo. 

Những vấn đề trên là thực trạng của nền giáo dục Mỹ nhưng bài học mang lại có thể áp dụng cho cả học sinh, sinh viên Việt Nam trước những thay đổi không ngừng của ngành giáo dục.Để khép lại câu chuyện về tái định nghĩa tài năng, chúng tôi xin trích một câu nói nổi tiếng của nhà báo Thomas Friedman: "Kỷ nguyên sáng tạo đòi hỏi nhiều hơn là những thước đo cũ kỹ kia. Nó quan tâm đến những kỹ năng mềm của bạn - năng lực lãnh đạo, tính khiêm nhường, khả năng hợp tác, khả năng thích nghi và niềm yêu thích học tập, cải thiện bản thân."

 

Share:

Bài liên quan