undefined

Toán Tiểu học và ước mơ về những lớp học mở vượt ngoài bốn bức tường của cô giáo trẻ

23 Tháng 9, 2021

Toán học là một trong những môn học được chú trọng tại trường PTLC Olympia, đặc biệt với cấp Tiểu học. Để hiểu hơn về môn toán và những chia sẻ từ giáo viên, hãy cùng chúng tôi trò chuyện với cô Khuất Thị Tuấn, giáo viên khối 4 tại bậc Tiểu học. 

 

Xin chào cô Tuấn. Tuấn có nhớ mình đã đến với công việc giảng dạy tại trường Olympia được bao năm rồi không?

 

Đây là năm thứ 5 mình công tác tại trường Olympia với vai trò giáo viên dạy Toán khối 3, 4 và làm giáo viên chủ nhiệm.

 

 

"Có lẽ mình vẫn luôn mơ tới hình ảnh một lớp học không bàn ghế, không ràng buộc những cấu trúc..."

 

Là một giáo viên dạy toán, đâu là điều cô Tuấn thích nhất ở môn học này và muốn truyền cảm hứng cho học sinh?

 

Thứ có lẽ mình muốn truyền cảm hứng nhất cho học sinh là sự gần gũi của Toán học trong thực tế. Mình mong đợi các bạn học sinh, đặc biệt trong giai đoạn Tiểu học có thể quan sát nhiều hơn và thấy được ứng dụng của Toán học trong các tình huống diễn ra hàng ngày hay trong các hình ảnh xung quanh đời thường thay vì chỉ là những chuỗi phép toán đơn thuần trên giấy. Bên cạnh đó, những câu đố vui Toán học hoặc những câu hỏi mang tính logic cũng sẽ rất thú vị nếu các bạn học sinh được thử sức.

 

Các giờ Toán được triển khai như thế nào để tăng tính hiệu quả của việc học đối với học sinh?

 

Tại trường PTLC Olympia, học sinh có cơ hội được hiểu bản chất của những thứ tưởng chừng hiển nhiên như cách hình thành các chữ số, ý nghĩa các phép cộng, trừ, nhân, chia hay tại sao lại cần có đơn vị đo chuẩn, cách giải phương trình, các loại hình đa giác… Bên cạnh đó, ngoài những nội dung cơ bản như các phép toán hay giải các bài toán lời văn, các con cũng được chú trọng hình thành các kiến thức nền tảng liên quan tới tính nhẩm, ước lượng, thống kê và xác suất ở mức độ đơn giản như tham gia một cuộc điều tra hay mô tả khả năng xảy ra ở một sự kiện…

 

Ngoài ra, việc tăng cường sử dụng đồ dùng trực quan, thậm chí vật thật giúp các con có thể có cảm nhận tốt hơn; đồng thời kéo được sự gần gũi của Toán trong những tình huống thực tế. Nhờ đó, học sinh có thể dễ dàng chuyển qua thao tác vẽ mô hình, hình thành kỹ thuật và vận dụng giải toán. Có lẽ đây là điều quan trọng nhất vì học sinh Tiểu học cần nhiều hơn việc được thao tác, trải nghiệm trực tiếp như cầm, nắm để hiểu được sâu sắc hơn các nội dung. Đó cũng là bước đệm để khi lên cấp trung học, các con sẽ hiểu các khái niệm mang tính trừu tượng hơn.

 

5 năm làm việc tại Olympia đã cho cô Tuấn nhiều cái nhìn sâu sắc về ngành giáo dục nói chung và môn toán nói riêng.

 

Cô Tuấn thấy những điểm khác biệt nào trong cách học và cách giảng dạy của môn toán tại Olympia?

 

Ở Olympia, bản thân mình luôn chú trọng tới các tình huống Toán học trong thực tế và khéo léo lồng ghép vào bài dạy. Đây là một trong những phương pháp được các giáo viên trong tổ toán triển khai đồng bộ, giúp trải nghiệm học của học sinh được tốt hơn. Điều đó giúp học sinh cảm thấy Toán học gần gũi và cần thiết.

 

Bên cạnh đó, các thầy cô giáo cũng chú ý cho học sinh tiếp xúc với các hình ảnh cũng như dụng cụ trực quan đủ nhiều để học sinh thành thạo và hiểu sâu sắc vấn đề, sau đó mới đưa ra thao tác với mỗi kĩ thuật tính toán hay giải quyết vấn đề. Ngoài ra, ở mỗi kĩ thuật, các con được quyền đưa ra rất nhiều những phương pháp khác nhau để tìm ra kết quả và sau đó, tự lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất. Điều đó luôn được các giáo viên chú trọng nhằm khuyến khích sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Ví dụ chỉ với việc tính nhẩm, học sinh đã có đến vài cách tính, không như cách thông thường chúng ta tiếp nhận trong giáo dục phổ thông trước đây.

 

Không chỉ dừng lại ở đó, việc dạy học phân hóa, đặc biệt ở khối 3, 4 được chú trọng nhiều hơn khi các con có thể có mức độ thành thạo khác nhau ở mỗi kĩ thuật. Không có lý do gì khiến những bạn đã thành thạo rồi lại phải thực hành lại những nội dung mình đã biết và ngược lại. Việc để ý tới khả năng của từng cá nhân và giao những nhiệm vụ phù hợp tương ứng với từng bạn là điều quan trọng nhằm tăng cường tính thách thức và duy trì niềm đam mê học tập. Tính cá nhân hóa là một yếu tố then chốt trong phương pháp dạy học tại Olympia và cũng được thể hiện rõ nét trong môn toán. 

 

Không chỉ vậy, việc tự đánh giá hoặc đánh giá chéo giữa các cá nhân cũng được triển khai theo từng giai đoạn (cuối mỗi chùm nội dung hoặc kỳ học) để mỗi cá nhân biết mình đang ở đâu và tự xây dựng hoặc xây dựng dưới sự tư vấn của giáo viên về lộ trình học tập của mình. Điều đó nhằm giúp các con tự chủ cũng như tăng cường khả năng lập kế hoạch cá nhân.

 

 

Gắn bó lâu năm với nghề, có quan điểm giáo dục nào cô Tuấn luôn nằm lòng và được thể hiện trong công việc, hoạt động giảng dạy của cô ra sao?

 

Với vai trò là giáo viên Toán, mình đã, đang và sẽ tìm hiểu sâu về các phương pháp dạy học tích cực nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Cá nhân mình có quan tâm khá nhiều về dạy học cá nhân hóa cũng như tìm cách nâng cao khả năng tự nghiên cứu của học sinh. Với học sinh lớp 4 mà mình đang trực tiếp giảng dạy, mức độ phân hóa trong lớp học khá rõ nét. Đối với một đơn vị kiến thức, có những bạn có thể đã biết trước, có bạn biết một ít và có bạn thì chưa nên việc phân nhóm và đưa ra các nhiệm vụ khác nhau tăng dần từ dễ đến khó là điều mình vẫn đang lưu tâm. Ngoài ra, mình cũng đẩy mạnh các hoạt động tự nghiên cứu. Có một số nội dung không quá khó, mình đã giao cho các bạn tìm hiểu và thảo luận với nhau trước rồi giảng lại cho nhau. Khi đó, các bạn trong lớp sẽ đóng vai trò người học và phản biện; giáo viên sẽ chuyển sang vai người tư vấn, giải đáp băn khoăn nếu có hoặc đặt những câu hỏi mang tính thách thức cao hơn.

 

Có lẽ mình vẫn luôn mơ tới hình ảnh một lớp học không bàn ghế, không ràng buộc những cấu trúc. Ở đó, cô và trò được viết ra những câu hỏi, những thắc mắc và cùng nhau đi tìm câu trả lời. Điều đó có thể diễn ra ở những góc học tập, khi thì trong lớp, khi thì ngoài trời, không giới hạn về mặt không gian so với những lớp học truyền thống. Điều này làm mình nhớ tới cô bé trong tác phẩm “Totto Chan – cô bé bên cửa sổ”.

 

Đâu là điều quan trọng để có thể thành công với nghề giảng dạy?

 

Với mình, điều quan trọng nhất đối với công việc của một người giáo viên là thường xuyên trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và không ngại “đổi mới” nhằm mang tới những tiết học thú vị, bổ ích và hiệu quả tới học sinh. Song song với đó là rèn luyện tính “kiên nhẫn”. Mỗi đứa trẻ là một cá nhân khác nhau nên việc lắng nghe nhiều hơn, chờ đợi và bền bỉ đồng hành cùng với các con vượt qua những khó khăn là điều cần thiết. Và rồi, không có mình thì tụi nhỏ vẫn sẽ trưởng thành theo cách riêng của nó nên hãy trân trọng sự “tự nhiên” ấy.

 

Cảm ơn cô Tuấn rất nhiều vì những chia sẻ của mình!

 

 

 

Share:

Bài liên quan